Sáng 29/9, Hiệp hội Thép Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp thép Việt Nam trong tình hình mới – Cơ hội và thách thức” với sự có mặt của nhiều DN lớn trong ngành.
Dưới sức ép của cung thừa cầu, sức ép của thép Trung Quốc, quy hoạch lại dự báo không sát thực tế, đặc biệt nguy cơ độc tôn của DN FDI, Hiệp hội Thép đang kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, kiên quyết rút phép những dự án chậm triển khai hoặc không thể thực hiện.
Theo nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Thép, ngành thép Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao và quy hoạch ngành cũng đã bộc lộ một số bất cập, cần có điều chỉnh.
Châu Á là thị trường thép và cũng là nơi sản xuất thép lớn nhất thế giới, đứng đầu là Trung Quốc với sản lượng 822 triệu tấn/năm, gấp 8 lần nước đứng thứ 2 là Nhật Bản. Trong 20 DN thép đứng đầu thế giới, có hơn 1 nửa là DN Trung Quốc. Đây cũng là “chú ý số 1” của thép Việt Nam, khi họ không những đứng đầu thế giới, mà còn ngay sát vách chúng ta.
Về cung cầu, xu hướng chung của thế giới là dư thừa, đó cũng là tình trạng Việt Nam đang gặp phải. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Thép, hiện thế giới mới sử dụng được trên 70% năng lực sản xuất. Trung Quốc sau một thời gian phát triển nóng về thép, hiện giờ đã chững lại và tìm cách giải quyết “hậu quả” bằng cách xuất khẩu, gây sức ép rất lớn lên thị trường thép thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngành thép Việt nam đang đứng trước nhiều khó khăn do cung vượt cầu. Ảnh: CTV.
Năm 2014, sản lượng toàn ngành thép Việt Nam đạt hơn 12,3 triệu tấn, với tất cả các sản phẩm đều có tăng trưởng từ hơn 10% đến hơn 31%. Tuy nhiên, ngược lại, Việt Nam cũng phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu và bán thành phẩm để chế biến.
Đặc biệt, sức ép từ thép nhập khẩu là rất lớn, khi năm 2014, lượng nhập khẩu các sản phẩm thành phẩm đều tăng 10, 15%, cá biệt thép hợp kim tăng đến 121,1%. Chỉ riêng có sản phẩm thép dẹt giảm 4%, nhưng theo lý giải của Hiệp hội thép, con số nhập khẩu phải là hơn 7 triệu tấn thay vì gần 5 triệu tấn như thống kê, do sự “lách” luật của Trung Quốc dưới dạng thép hợp kim chứa Bo.
Năm 2014, thép Việt Nam cũng xuất khẩu được hơn 2,5 triệu tấn, nhưng hiện đang đứng trước áp lực của các vụ kiện chống bán phá giá. Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2014, Việt Nam đã phải đối mặt với 21 vụ tranh tụng thương mại liên quan đến sản phẩm thép, trong đó có 11 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 6 vụ kiện về điều tra áp dụng các biện pháp tự vệ.
Mới đây nhất, Thái Lan đã liên tục tiến hành điều tra 3 vụ việc liên quan đến tự vệ thương mại đối với thép Việt Nam. Trong khi các DN trong nước chưa rành về những quy định quốc tế và chưa có kinh nghiệm, những vụ việc thế này thường gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu.
Trong khó khăn muôn bề đó, Hiệp hội cũng chỉ ra rằng, hiện nay, những gì quy hoạch đặt ra đã cho thấy khó lòng đạt được. Đơn cử, quy hoạch đặt mục tiêu vào năm nay, sản lượng gang sẽ đạt 6 triệu tấn, nhưng dự kiến cố lắm mới đạt 1,7 triệu tấn; thép phôi đưa kế hoạch 12 triệu tấn, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 54%, tức đạt khoảng 6,5 triệu tấn. Chỉ có thép thành phẩm là đạt mục tiêu.
Theo đánh giá của Hiệp hội, đến năm 2020, gang chỉ sản xuất được khoảng 10 triệu tấn, tức đạt 58,8% quy hoạch; thép phôi ước đạt 18 triệu tấn, đạt 72%. Về triển khai các dự án đầu tư, đến năm nay, có 12 dự án chưa được thực hiện hoặc chưa hoàn thiện. Giai đoạn đến năm 2020 có khoảng 16 dự án ít hoặc không khả thi, cần rà soát đưa ra khỏi quy hoạch.
Việc cấp phép các dự án đầu tư chưa có sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương, có tới 28 dự án (chiếm 66%) ít khả thi trong tổng số 42 dự án đăng ký trong giai đoạn 2013 – 2025.
Từ năm 2015, Việt Nam đã phải nhập khẩu quặng sắt. Nếu làm đúng theo quy hoạch này, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nhập khẩu 40 triệu tấn quặng sắt, 20 triệu tấn than mỡ và hàng triệu tấn vật liệu chịu lửa, phụ gia, phê rô. Việc nhập khẩu sẽ làm gia tăng chi phí khoảng 20-40 USD/tấn do vận chuyển, làm sức cạnh tranh của thép Việt Nam đã yếu càng yếu hơn.
Khủng khiếp hơn nữa là nhu cầu năng lượng của ngành thép đang từ 8,8% trong khối công nghiệp sẽ tăng lên 37,4% vào năm 2020 và 48% vào năm 2025, bởi đây là ngành tiêu tốn rất nhiều năng lượng như điện, than, dầu, khí… Nhu cầu cao vọt này sẽ là một thách thức rất lớn trong bối cảnh khan hiếm năng lượng của Việt Nam hiện nay.
Hiệp hội còn chỉ ra một sự mất cân đối lớn, khi các DN FDI sẽ dần dần chiếm vị trí áp đảo, thậm chí độc tôn trong một số mặt hàng như cán nóng sản phẩm dẹt sẽ có 100% công suất do các DN FDI nắm giữ vào 2025. Các dòng sản phẩm khác, DN FDI cũng sẽ chiếm từ 59% đến 68%.
Với những thách thức lớn này, Hiệp hội Thép đã kiến nghị cần có chính sách điều chỉnh tỷ lệ này cho hợp lý hơn bằng cách không cấp phép đầu tư dự án có yếu tố nước ngoài, từ các dự án về thép hợp kim.
Với 11 dự án của giai đoạn 2015 chưa triển khai nên rút phép và loại khỏi quy hoạch. 1 dự án dở dang (mở rộng Tisco giai đoạn 2) cần có biện pháp thúc đẩy tiến độ. Đối với 16 dự án của giai đoạn 2016 – 2025 không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch và Thông tư 03 và không khả thi thì cần rà soát đưa ra khỏi quy hoạch.
Nguồn tin: Công an nhân dân